Quách Đồng Thắng
Trung tâm Ứng dụng GIS Tp.HCM
Tối 10/02/2014,
lễ trao giải Crunchies Award lần 7 đã diễn ra tại Davies Symphony Hall, Sanfrancisco, California. Đây là giải thưởng thường
niên được bình chọn bởi cộng đồng mạng, do TechCrunch,
GigaOm và VentureBeat
đồng tổ chức để vinh danh những đóng góp xuất sắc của các tổ chức và cá nhân
trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là các dự án
khởi nghiệp thành công.
Giải thưởng Crunchies Adward |
Theo đó, Kickstarter,
một dịch vụ hàng đầu trong lĩnh vực crowdfunding (tài trợ đám
đông/ góp vốn từ cộng đồng) đã đoạt giải Khởi nghiệp xuất sắc nhất - Best
Overall Startup của năm 2013, vượt qua các đề cử khác
như Uber (về nhì), CloudFlare, Snapchat và Twitter.
Kickstarter giành giải Best Overall Startup năm 2013
|
Kết quả bình chọn ở 19 hạng mục còn lại tại Crunchies Award năm 2013:
Thành tựu công nghệ tốt nhất - Best Technology Achievement vinh danh dịch vụ tiền điện tử Bitcoin, tuy vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi về mặt pháp lý cũng như những lo ngại về vấn đề rửa tiền và các rủi ro trong giao dịch.
Trong khi đó, Airbnb đạt giải Dịch vụ hợp tác tiêu dùng tốt nhất - Best Collaborative Consumption Service. Được thành lập năm 2008, Airbnb kết nối các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê khách sạn với du khách, hỗ trợ việc đặt phòng khách sạn một cách nhanh chóng và tiện lợi tại 26,000 thành phố thuộc 192 quốc gia trên toàn thế giới.
Đứng đầu hạng mục Ứng dụng thương mại điện tử tốt nhất - Best E-Commerce Application là Wanelo. Với khẩu hiệu “All stores in one play”, chỉ sau 3 năm phát triển kể từ lúc thành lập vào năm 2010, Wanelo hiện đang là một mạng xã hội mua sắm rất sôi động và đáng tin cậy.
Best Mobile Application vinh danh ứng dụng Snapchat – một ứng dụng chia sẻ hình ảnh/ video cho thiết bị di động đang được giới trẻ Mỹ rất yêu thích, và đang được hai gã khổng lồ Google và Facebook ngấp nghé thâu tóm. Điểm khác biệt của Snapchat là hình ảnh/ video sau khi được chụp, chỉnh sửa và gửi đến danh sách bạn bè sẽ tự động biến mất vĩnh viễn sau một khoản thời gian do người gửi thiết lập. Chính yếu tố tôn trọng sự riêng tư này rất thích hợp cho những người thích “xóa dấu vết” và tạo nên dấu ấn riêng cho sự thành công của Snapchat.
Khởi nghiệp tăng trưởng nhanh nhất - Fastest Rising Startup thuộc về Upworthy – trang web truyền thông xã hội hoạt động từ năm 2012, chuyên tìm kiếm các video đã được đăng tải, sau đó làm mới, đánh bóng lại những câu chuyện cũ, những sự kiện đã xảy ra để thu hút người xem và tạo hiệu ứng lan truyền mới thông qua mạng xã hội Facebook, twitter.
Khởi nghiệp về y tế tốt nhất - Best Health Startup thuộc về One Medical Group – cung cấp các thông tin và dịch vụ y tế phục vụ cộng đồng tại một số bang của Mỹ.
Về nhất ở hạng mục Thiết kế tốt nhất - Best Design là Pencil by FiftyThree, một công cụ tuyệt vời trong việc phác thảo các thiết kế và trình bày ý tưởng trên thiết bị touch screen như máy tính bảng.
Tự thân khởi nghiệp tốt nhất - Best Bootstrapped Startup thuộc về Imgur –dịch vụ chia sẻ hình ảnh đơn giản, nhanh chóng và tiện dụng.
Khởi nghiệp hấp dẫn nhất - Sexiest Enterprise Startup thuộc về Zendesk - dịch vụ hỗ trợ khách hàng tuyệt vời cho doanh nghiệp.
Khởi nghiệp có tính quốc tế tốt nhất - Best International Startup: Waze – ứng dụng chia sẻ thông tin giao thông và điều hướng dựa vào cộng đồng lớn nhất thế giới.
Khởi nghiệp về giáo dục tốt nhất - Best Education Startup: Duolingo – ứng dụng hỗ trợ tự học ngoại ngữ rất tiện lợi và hiệu quả.
Khởi nghiệp về phần cứng tốt nhất - Best Hardware Startup: Oculus VR – tai nghe thực tế ảo của hãng Oculus nhằm thỏa mãn nhu cầu của các tín đồ video game.
Can’t Stop, Won’t Stop: Candy Crush Saga – một trong những game phổ biến nhất trên Facebook và smartphone hiện nay.
Điều khá thú vị là giải Tác động xã hội lớn nhất - Biggest Social Impact đã thuộc về Edward Snowden - cựu nhân viên của NSA và CIA, người đã tiết lộ những bí mật hàng đầu của chính phủ Mỹ và Anh về những chương trình theo dõi người dân. Tất nhiên là Snowden đã không xuất hiện để nhận giải thưởng.
Edward Snowden được vinh danh ở hạng mục Biggest Social Impact |
“Thiên thần” của năm - Angel of the Year: Chris Sacca – từng là Trưởng Sáng kiến đặc biệt (Special Initiatives) của Google, hiện là nhà đầu tư mạo hiểm và cố vấn hàng đầu cho hàng chục công ty ngay từ giai đoạn khởi nghiệp thông qua Lowercase Capital, trong đó có những tên tuổi nổi bật như Twitter, Heroku, Photobucket, Bitly,….
Nhà đầu tư mạo hiểm của năm - VC (venture Capital ) of the Year: Peter Fenton (Benchmark).
Nhà sáng lập của năm - Founder of the Year: Arash Ferdowsi và Drew Houston – hai sáng lập viên của dịch vụ lưu trữ tài liệu trực tuyến Dropbox.
Giám đốc điều hành của năm - CEO of the Year: Dick Costolo, CEO của Twitter.
Mới khởi nghiệp tốt nhất năm 2013 - Best New Startup of 2013: Tinder – một ứng dụng hỗ trợ “hẹn hò” trên điện thoại di động bằng cách xác định vị trí thông qua GPS và các thông tin profile trên Facebook của chủ nhân, sau đó đề xuất danh sách những đối tượng thích hợp gần nhất.
Độc giả quan tâm có thể tham khảo thêm trên Techcrunch danh sách các ứng viên lọt vào top 5 của 20 hạng mục giải thưởng.
Nhân dịp dịch vụ crowdfunding Kickstarter giành giải thưởng danh giá nhất của Crunchies Award, chúng ta cùng tìm hiểu về crowdfunding và sức ảnh hưởng, lan tỏa của nó đối với cộng đồng người dùng thông qua những con số ấn tượng về sự thành công của Kickstarter.
Giả sử chúng ta có ý tưởng thực hiện một dự án yêu thích như viết một game mới, sáng tác truyện tranh, tổ chức một buổi trình diễn thời trang cho bộ sưu tập mới của mình,...Việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến là “tiền đâu”. Theo cách truyền thống thì có thể tự bỏ tiền túi, vận động thêm tài trợ từ gia đình, người thân, bạn bè,…hoặc đối với các dự án cần nhiều vốn thì phải vay ngân hàng, thuyết phục các quỹ đầu tư mạo hiểm, đăng kí đề tài/ dự án và thuyết phục hội đồng khoa học,…
Tuy nhiên, có một cách tiếp cận khác để có thể huy động vốn một cách dễ dàng hơn: thay vì cố gắng thuyết phục để xin 100 đồng từ một hoặc một số ít nhà đầu tư thì có thể xin 1 đồng “tiền lẻ” từ 100 người quan tâm đến dự án của mình thông qua một crowdfunding flatform/ service. Các nhà đầu tư đồng thời sẽ là những khách hàng tiềm năng khi dự án hoàn thành, được “lại quả” từ người huy động vốn thông qua nhiều hình thức như giảm giá, tặng sản phẩm, hay đơn giản chỉ là lời cảm ơn khi dự án hoàn thành.
Hiện nay trên thế giới có hàng trăm dịch vụ crowdfunding (riêng ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số dịch vụ, bước đầu tài trợ thành công cho một vài dự án). Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, Kickstarter là dịch vụ crowdfunding thành công nhất hiện nay. Được thành lập từ năm 2009, đến nay Kickstarter đã huy động vốn thành công cho trên 56,000 dự án với tổng số vốn lên đến 975 triệu USD, đến từ 5,6 triệu nhà đầu tư. Riêng trong năm 2013 đã có 3 triệu nhà đầu tư với tổng số vốn 480 triệu USD được huy động, tài trợ thành công cho gần 20,000 dự án. Ở khía cạnh thành công về mặt thương mại, với mức phí 5%, có thể thấy doanh thu của KichStarter trong năm 2013 là khoảng 24 triệu USD. Ngoài ra, các dịch vụ thanh toán qua mạng – chủ yếu là Amazon Payments cũng được hưởng lợi từ 3 - 5% trên tổng số vốn giao dịch thành công.
Hiện tại kickStarter hỗ trợ huy động vốn cho các lĩnh vực như: nghệ thuật, truyện tranh, khiêu vũ, thiết kế, thời trang, phim/ video, ẩm thực, game, âm nhạc, nhiếp ảnh, xuất bản, công nghệ và kịch nghệ. Để bảo vệ quyền lợi các nhà góp vốn đầu tư một cách tốt nhất, hiện tại Kickstarter chỉ hỗ trợ các dự án đến từ Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand với các quy định rất chặt chẽ về nhân thân.
Rõ ràng, sự thành công của Kickstarter nói riêng và trào lưu crowdfunding nói chung đã thổi một luồng gió mới, kích thích sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các cá nhân nhằm đem lại những giá trị mới cho cộng đồng xã hội, và ngược lại cộng đồng có được cơ hội, có quyền đầu tư, chia sẻ gánh nặng tài chính cho những sản phẩm yêu thích, những ý tưởng mà mình quan tâm. Hi vọng crowdfunding sẽ ngày càng được quan tâm và phát triển ở Việt Nam, góp phần chắp cánh cho những ước mơ, những ý tưởng tốt đẹp trở thành hiện thực.
(Thông tin và hình ảnh trong bài viết được tham khảo và sử dụng tại TechCrunch)
No comments:
Post a Comment